Skip to main content

Giới thiệu chung về Xã Mỹ Hiệp

Xã Mỹ Hiệp hiện nay là một trong ba xã Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, phía Bắc - tây Bắc giáp xã Tấn Mỹ giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp xã Bình Phước Xuân, phía Tây giáp xã Tấn Mỹ, phía Đông - Đông Bắc giáp sông Tiền.

Mỹ Hiệp đất hẹp người đông. Với diện tích tự nhiên là 2.314,99 ha, có 4.877 hộ, 17.605 nhân khẩu, chia làm 7 ấp: Trung Châu, Đông Châu, Tây Thượng, Tây Hạ, ấp Trung, ấp Thị và ấp Đông.

Lịch sử hình thành xã Mỹ Hiệp gắn liền với việc khai hoang, lập làng vùng đất phương Nam. Cùng với những bước thăng trầm của lịch sử, xã Mỹ Hiệp cũng có những thay đổi về địa giới hành chánh và tên gọi khác nhau. Theo tài liệu để lại, cư dân đến ở Cù Lao Giêng từ rất sớm, có thể là sớm nhất trong tỉnh vì đây là một giồng đất cao, nằm giữa sông Tiền rất tiện lợi trong sinh hoạt. Lúc mới khai phá, vùng đất này thuộc đạo Tân Châu có các thôn: Toàn Đức, Đông Mỹ, Hưng Mỹ, Tân Phúc. Tỉnh An Giang theo Địa bạ triều Nguyễn năm 1836, Cù Lao Giêng lúc ấy có hai thôn: Mỹ Hưng - Mỹ Chánh thuộc tổng An Toàn, phủ Tuy Biên, huyện Đông Xuyên. Và cũng theo Địa bạ triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Đình Đầu, vào năm 1917 tổng An Bình có 6 làng: Tân Phước, Tân Đức, Phú Xuân, Mỹ Hưng, Mỹ Chánh, Bình Đức Đông thuộc quận Chợ Mới.1 Năm 1917, Cù Lao Giêng còn 4 làng là Tân Đức,2 Mỹ Hưng, Tân Phước, Phú Xuân. Năm 1957, chỉ còn lại 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân thuộc tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cù Lao Giêng ngày xưa trong đó có xã Mỹ Hiệp  vốn rất đẹp. Từ địa lý, địa hình đến phong cảnh, thổ sản và cung cách, lối sống hiền hòa, chất phác của con người nơi đây đều đẹp, đẹp như cảnh Doanh Châu (một trong ba cảnh tiên: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu - tên gọi ở Thượng giới) nên những cư dân đầu tiên đến vùng này gọi là Doanh Châu, vì cảnh nơi đây đẹp như tiên! Sách Nam kỳ Phong tục Nhân vật diễn ca cũng mô tả: “Cù Lao Giêng cảnh lịch thay”. Và bộ Đại Nam nhất thống chí ghi: “bãi Doanh Châu tục gọi Cù Lao Diên”. Dần dần được ghi là Cù lao Dinh, Cù lao Diên và tên Cù lao Giêng - theo cách nói dân dã miệt vườn được lưu giữ lại đến ngày nay.

Lưu dân từ khắp nơi phiêu bạt đến vùng Mỹ Hiệp này vì họ không khuất phục trước bạo lực cường quyền, vì các cuộc nội chiến diễn ra liên miên, vì can án “phạm tội” với triều đình, vì đói nghèo cơ cực đành rời bỏ quê cha đất tổ… Họ đã có một chuỗi dài đương đầu với bao thử thách khắc nghiệt, ngày đêm vật lộn với thiên nhiên cải tạo đồng hoang, chinh phục thú dữ, thích nghi với lũ... hy vọng đến vùng đất mới sẽ tìm được cuộc sống tự do, sẽ được an cư lập nghiệp. Cuộc sống thời mở đất đã tạo cho họ trong đấu tranh luôn dũng cảm kiên cường, trong lao động cần mẫn, siêng năng, sáng tạo. Bằng ý chí và sức lực của chính mình không ngại khó khăn, không nề gian khổ. Trong quan hệ với con người, họ luôn có thủy, có chung, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia cơm sẻ áo, chân tình giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Có lẽ vì những đức tính cao đẹp ấy đã tạo nến sức mạnh kỳ diệu khi đặt chân đến vùng đất này. Quy luật cuộc sống muốn tồn tại phải đấu tranh để giành lấy sự sống dù phải gian khổ đến đâu, ác liệt đến đâu. Con người muốn tồn tại không chỉ có lòng dũng cảm mà còn phải thật tâm đoàn kết, gắn bó đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống ấy đã hình thành một cách tự nhiên trong cuộc sống và đã trở thành hạt nhân bền vững trong từng cộng đồng dân cư xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Những truyền thống đó là điểm tựa, là nội lực quan trọng để Mỹ Hiệp không ngừng vững bước vượt qua khó khăn, thử thách vươn lên.

Ở Chợ Mới nói chung và Mỹ Hiệp nói riêng từ lâu đã xuất hiện và tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác những nghề thủ công và hình thành những làng nghề truyền thống như: mộc, dệt vải, nhuộm, đóng ghe xuồng, làm gạch ngói... tiếp tục được duy trì dưới thời Pháp thuộc. Những nghề truyền thống kể trên tập trung đông nhất ở Long Điền và 3 xã Cù Lao Giêng. Tiêu biểu nhất là nghề dệt vải, nhuộm và đống ghe xuồng nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ XX. Địa chí An Giang ghi lại, năm 1929 ở An Giang có 16 xưởng nhuộm thì ở Tân Đức và Long Điền có 8 xưởng. Nghề nhuộm ở đây rất nổi tiếng, nhất là kỹ thuật nhuộm lụa từ trái mặc nưa. Lụa được nhuộm và phơi lặp đi lặp lại đến hàng chục lần cho đến khi trái mặc nưa để lại một màu đen tuyền óng ả. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu nhân dân địa phương mà còn là mặt hàng chủ yếu trao đổi hàng hóa, buôn bán giữa Mỹ Hiệp và các vùng lân cận. Chợ ở Cù Lao Giêng được ghi nhận là sầm uất của quận Chợ Mới. Theo thống kê của 2 năm 1923 và 1929 thì Cù Lao Giêng chiếm 3/6 xã được nêu tên. Đó là chợ Tân Đức, chợ Mỹ Chánh và chợ Bùng Binh.1 về mức độ thu thuế thì Chợ Mới là cao nhất, Tân Đức đứng hạng nhì, Mỹ Chánh hạng ba và Bùng Binh đứng thứ sáu.2

Một số ngành nghề thủ công khác tại địa phương cũng phát triển như nghề mộc, cưa xẻ gỗ và nổi tiếng nhất là nghề đóng ghe xuồng. Cùng với Long Điền và Mỹ Luông, nghề mộc ở Mỹ Hiệp có từ trước. Từ năm 1900 đến năm 1929 đã xuất hiện các xưởng cưa do tư nhân thành lập. Họ hoạt động mạnh và mang tính cách gia đình, trang bị cơ động để di chuyển khắp nơi trong tỉnh nhận lãnh đồ gia công... Đi đôi với nghề cưa xẻ gỗ và do nhu cầu vùng sông nước nên nghề đóng ghe xuồng ở đây phát triển mạnh. Nhưng các cơ sở hoạt động tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Do tác động của đời sống xã hội và sự phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống đã sớm tạo nên tính năng động, nhạy bén của người dân nơi đây, ít thấy có ở những vùng quê khác.

Nhân dân Mỹ Hiệp sớm có ý thức giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng qua hình ảnh đình làng. Đình ấp Đông được xây cất năm 1852 và đình ấp Đông Châu xây dựng năm 1853. Đời vua Tự Đức ban sắc cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh về việc thờ thần là những vị anh hùng hào kiệt xa xưa, những người có công khai hoang phục hóa, mở đất lập làng được vua phong với tên gọi chung là Bổn cảnh thần hoàng. Lễ Kỳ Yên hàng năm vào các ngày 16, 17, 18/3. Mỗi dịp lễ Kỳ Yên đông đảo nhân dân địa phương và bà con các xã lân cận cầu quốc thái dân an, cùng tổ chức ca hát, vui chơi, cúng tế thần linh mang đậm tín ngưỡng tôn giáo. Lễ hội là lối sống văn hóa tinh thần, là thuần - phong mỹ tục, ăn quả nhớ người trồng cây, thể hiện đậm nét tín ngưỡng và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Do nhu cầu tín ngưỡng, bằng bàn tay khéo léo, tinh xảo, sự cần cù và sáng tạo của mình trong nghề mộc và chạm trổ, nhân dân Mỹ Hiệp đã xây dựng được nhiều công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc. Những công trình này mang tín ngưỡng tôn giáo rất sâu sắc. Đó là nơi thờ cúng các vị thần linh hay những bậc tiền hiền có công với quê hương, đất nước. Ngoài hai đình kể trên, Mỹ Hiệp còn có 5 ngôi chùa: chùa Thới Bình thuộc ấp Trung Châu; chùa Thái Bình thuộc ấp Tây Hạ; chùa Minh Tế thuộc ấp Thị; chùa Phước Long thuộc ấp Đông; chùa Liên Hoa thuộc ấp Trung; và có 2 thánh thất Cao Đài ở ấp Trung Châu và Tây Hạ.

Đời sống của nhân dân trong xã trước năm 1945 nói chung còn nhiều cơ cực, nghèo nàn dù chợ Mỹ Hiệp được ghi nhận là sầm uất nhất Tổng An Bình. Trình độ văn hóa phổ thông thấp, đa số (hơn 90%) người mù chữ. Cụ thể xã Mỹ Chánh có trường sơ học yếu lược (chỉ có lớp năm, bốn, ba) và sơ học bổ túc (lớp nhì) nhưng cả xã Mỹ Chánh cũng chỉ có 33 học sinh và 69 học sinh ở xã Mỹ Hưng. Không có trạm xá thuốc men để chữa bệnh cho đồng bào. Bệnh tật chỉ trông mong vào thuốc nam hoặc cúng bái. Cuộc sống của bà con mang tính chất đơn điệu, ăn, ở bao bọc theo các trục lộ giao thông đường thủy, bộ.

 Tuyệt đại đa số dân Mỹ Hiệp là nông dân nghèo, ruộng ít, sống với nhau theo từng dòng họ, đời này sang đời khác rất cần cù, khổ cực, đời sống vật chất thiếu thốn phổ biến bởi nền kinh tế lạc hậu. Mặt khác, ruộng đất tập trung vào tay một số ít người, đó là tầng lớp địa chủ, phú nông, hội tề, là những người quyền thế ở địa phương, chiếm hữu nhiều ruộng đất, bóc lột nhân dân lao động, kể cả một số tề làng cho mướn ruộng lại bằng cách phát canh thu tô. Người nông dân nghèo dốc hết sức lực làm ruộng, đến mùa phải đóng lại cho chủ gần phân nửa số lúa làm ra, nếu năm nào mất mùa không đủ lúa nộp tô thì tá điền phải chịu nhiều bề khổ sở. Ngoài việc bị đánh chửi, bắt bớ giam cầm người nông dân còn phải làm thuê, ở đợ để trừ nợ. Hằng năm khi lễ tết, cúng quảy của gia đình địa chủ, tá điền phải mang gà, vịt đến làm quà biếu và phục vụ: bửa củi, gánh nước, giã gạo... không công cho họ.

Nói chung, người nông dân Mỹ Hiệp dưới chế độ thực dân phong kiến chịu trăm bề cay nghiệt, khổ sở. Điều tủi nhục hơn là người dân mất nước phải đóng thuế thân (thuế đánh vào con người), hàng năm mức 5 đồng 50 đối với người giàu, 4 đồng 50 đối với người nghèo. Đem qui ra lúa, thuế thân một năm mỗi người phải đóng khoảng 20 giạ lúa. Nếu gia đình nghèo đông con không đóng thuế thân nổi, tìm mọi cách trốn tránh làng lính để yên thân, có người vì uất hận quá ra đi làm “quốc sự”…

Và trong bóng tối của đêm trường nô lệ, ánh sáng của Đảng chiếu rọi đến tận nông thôn Mỹ Hiệp xa xôi, cỗ vũ mọi người vùng lên thoát khỏi gông xiềng áp bức, tự giải phóng cho mình.